Giới thiệu chung

I. Thông tin chung về E- learning

          1.E-Learning là gì?

          E-Learning (viết tắt của Electronic Learning). E-Learning chính là phương pháp học trực tuyến có sử dụng kết nối mạng Internet để phục vụ học tập, tham khảo các tài liệu học, trao đổi giữa học viên và giảng viên mà không cần gặp mặt trực tiếp. Có thể hiểu E- learning ở nhiều góc độ khác nhau:

          - E-Learning là sử dụng các công nghệ Web và Internet trong học tập (William Horton).

          - E-Learning là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (Compare Infobase Inc).

          - E-Learning nghĩa là việc học tập hay đào tạo được chuẩn bị, truyền tải hoặc quản lý sử dụng nhiều công cụ của công nghệ thông tin, truyền thông khác nhau và được thực hiện ở mức cục bộ hay toàn cục (MASIE Center). 
          - Việc học tập được truyền tải hoặc hỗ trợ qua công nghệ điện tử. Việc truyền tải qua nhiều kĩ thuật khác nhau như Internet, TV, video tape, các hệ thống giảng dạy thông minh, và việc đào tạo dựa trên máy tính ( CBT ) (Sun Microsystems, Inc). 

          - Việc truyền tải các hoạt động, quá trình, và sự kiện đào tạo và học tập thông qua các phương tiện điện tử như Internet, intranet, extranet, CD-ROM, video tape, DVD, TV, các thiết bị cá nhân... (e-learningsite). 

          - "Việc sử dụng công nghệ để tạo ra, đưa các dữ liệu có giá trị, thông tin, học tập và kiến thức với mục đích nâng cao hoạt động của tổ chức và phát triển khả năng cá nhân." (Định nghĩa của Lance Dublin, hướng tới e-learning trong doanh nghiệp). 

          - E-Learning là cách thức học mới qua mạng Internet, qua đó học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi, học theo sở thích và học suốt đời (EDUSOFT LTD).

          Như vậy, hệ thống E-Learning được hiểu như là  một môi trường học tập bao gồm các công nghệ lưu trữ và truyền tải dữ liệu. Ở đây, người học không những có thể tương tác với nhau mà không cần gặp mặt trực tiếp mà còn có thể tương tác ngay với hệ thống đào tạo trực tuyến.

          2. Đặc điểm chung của E-Learning

          - Dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Cụ thể hơn là công nghệ mạng, kĩ thuật đồ họa, kĩ thuật mô phỏng, công nghệ tính toán…

          - Hiệu quả của E-Learning cao hơn so với phương pháp học truyền thống do E-Learning có tính tương tác cao dựa trên đa phương tiện (multimedia), tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn, cũng như đưa ra nội dung học tập phù hợp với khả năng và sở thích của từng người.

          - E-Learning sẽ trở thành xu thế tất yếu trong nền kinh tế tri thức. Hiện nay, E-Learning đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nước trên thế giới. Rất nhiều tổ chức, công ty hoạt động trong lĩnh vực E-Learning đã ra đời.

          3. Hệ thống E-Learning

          - E-Learning có hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System) giúp xây dựng các lớp học trực tuyến hiệu quả.

          - Một thành phần quan trọng nữa của hệ thống e-Learning là hệ thống quản lí nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System) cho phép tạo và quản lý nội dung học tập.

          - Ngoài ra e-learning còn cung cấp các công cụ thực hiện bài giảng (authoring tools) một cách sinh động, dễ dùng, và đầy đủ multimedia.

          - Quan trọng hơn là e-Learning đã được thế giới chuẩn hoá nên các bài giảng có thể trao đổi với nhau trên toàn thế giới cũng như giữa các trường học ở Việt Nam.

          4. Một số hình thức E-Learning

          Có một số hình thức đào tạo bằng E-learning ,cụ thể như sau:

          - Đào tạo dựa trên công nghệ  (TBT- Technology -Based Training).

          - Đào tạo dựa trên máy tính (CBT -Computer- Based Training).

          - Đào tạo dưạ trên Web (WBT – Web-Based Training).

          - Đào tạo trực tuyến (Online Learning/Training).

          - Đào tạo từ xa (Distance Learning).

          5. Ưu điểm của E-Learning trong đào tạo

          5.1. E-Learning làm biến đổi cách học cũng như vai trò của người học, người học đóng vai trò trung tâm và chủ động của quá trình đào tạo, có thể học mọi lúc, mọi nơi nhờ có phương tiện trợ giúp việc học.

          5.2. Người học có thể học theo thời gian biểu cá nhân, với nhịp độ tuỳ theo khả năng và có thể chọn các nội dung học, do đó nó sẽ mở rộng đối tượng đào tạo rất nhiều. Tuy không thể hoàn toàn thay thế được phương thức đào tạo truyền thống, E-Learning cho phép giải quyết một vấn đề trong lĩnh vực giáo dục đó là đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của người lao động.

          5.3. Các chương trình đào tạo từ xa phong phú về giao diện, sử dụng rất nhiều hiệu ứng đa phương tiện như âm thanh, hình ảnh, hình ảnh động ba chiều, kĩ xảo hoạt hình,… có độ tương tác cao giữa người sử dụng và chương trình, đàm thoại trực tiếp qua mạng. Điều này đem đến cho người học sự thú vị, say mê trong quá trình tiếp thu kiến thức cũng như hiệu quả trong học tập.

          5.4. E-Learning cho phép học viên làm chủ hoàn toàn quá trình học của bản thân, từ thời gian, lượng kiến thức cần học cũng như thứ tự học các bài, đặc biệt là cho phép tra cứu trực tuyến những kiến thức có liên quan đến bài học, xem lại những phần đã học, tự do trao đổi với những người cùng học hoặc giáo viên ngay trong quá trình học.

          II. Cổng thông tin E-Learning trường Đại học Sao Đỏ

           Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT ngày 22/04/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng; Chỉ thị năm học 2016- 2017 và các năm tiếp theo của Bộ Giáo dục và đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm trong đó đẩy mạnh phát triển e- learning.

          Căn cứ vào tình hình thực tế ứng phó với Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và đào tạo đã đưa ra quan điểm: "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học" và đã chỉ đạo đối với giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH ngày 13/03/2020 hướng dẫn các cơ sở đào tạo áp dụng các phương thức đào tạo từ xa đối với các khóa chính quy, vừa làm vừa học nhằm ứng phó với dịch Covid-19; Công văn số 988/BGDĐT-GDĐH ngày 23/03/2020 về đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa ứng phó dịch Covid-19.      

          Căn cứ vào thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người học một cách thuận lợi nhất, tốt nhất từ nhiều phương thức, nguồn dữ liệu…đảm bảo việc thực hiện chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, trường Đại học Sao Đỏ dựa trên nền tảng mã nguồn mở Moodle, nền tảng công nghệ để hỗ trợ việc thực hiện đào tạo trực tuyến kết hợp với Zoom để xây dựng Cổng thông tin học tập trực tuyến trường Đại học Sao Đỏ (SDU E-LEARNING).

          Cổng thông tin học tập trực tuyến trường Đại học Sao Đỏ giúp cho sinh viên nhà trường thực hiện học tập bằng nhiều phương thức. Ngoài phương thức học tập truyền thống có thể học tập từ xa trên cơ sở hỗ trợ của công nghệ và các phương tiện hiện đại ở các học phần lý thuyết và một số học phần thực hành trong chương trình đào tạo.

          Cổng thông tin học tập trực tuyến trường Đại học Sao Đỏ có thể giúp cho sinh viên phát huy khả năng chủ động trong quá trình học tập, nghiên cứu, tra cứu nguồn dữ liệu do giảng viên cung cấp, trao đổi, thảo luận với người cùng học, với giảng viên các vấn đề trong nội dung kiến thức học và các vấn đề liên quan. Sinh viên có thể xây dựng các kế hoạch học tập trên hệ thống, theo dõi và chủ động thực hiện.


Sửa lần cuối: Thứ Hai, 20 Tháng Tư 2020, 2:32 CH